Sidebar

Magazine menu

30
Tue, Apr

Hoạt động tham quan và thực tế của sinh viên Chương trình VLVH tại công ty CP Gốm Chu Đậu, tập đoàn BRG

Hợp tác doanh nghiệp

Ngày 30/3/2024, Trung tâm Nghiên cứu, Bồi dưỡng và Tư vấn kinh tế đối ngoại (Feretco), Trường ĐH Ngoại thương đã phối hợp với Khoa Quản trị kinh doanh (QTKD) và Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu tổ chức cho sinh viên đại học hình thức Vừa làm Vừa học (VLVH) tham quan, học tập học phần Quản trị đổi mới tại Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu, xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.

 

Tham quan, trải nghiệm và học tập thực tế tại doanh nghiệp là hoạt động thường xuyên của Trường ĐH Ngoại thương nhằm nâng cao chất lượng đào tạo hệ VLVH, gắn kết giữa hoạt động đào tạo của Nhà trường với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Việc học tập trải nghiệm trong một không gian mở cũng giúp sinh viên hiểu rõ hơn về các kiến thức mới, khơi gợi niềm đam mê sáng tạo, hình thành tư duy phản biện, tăng cường kỹ năng hợp tác và khả năng ứng phó với sự thay đổi.

Cùng tham gia hoạt động tham quan khảo sát tại doanh nghiệp với các em sinh viên có TS Vũ Thị Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm Feretco; các giảng viên và giáo viên chủ nhiệm.

Về phía Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu có ông Nguyễn Huy Kiên – Phó Tổng Giám đốc; ông Nguyễn Hữu Hiệp – Cố vấn (Nguyên Phó Tổng Giám đốc); ông Nghiêm Đình Sơn – Giám đốc kinh doanh; ông Nguyễn Trung Khoa – Phó Giám đốc kinh doanh; Nghệ nhân ưu tú Hạ Bá Định và các nghệ nhân, nhân viên thuộc phòng kinh doanh 2 tham gia hỗ trợ.

Thông qua chương trình trải nghiệm thực tế, sinh viên có cơ hội được tham quan doanh nghiệp, tìm hiểu sản phẩm, quy trình sản xuất và hoạt động đổi mới sáng tạo. Gốm Chu Đậu là dòng gốm cao cấp có niên đại vào khoảng thế kỷ XIV và phát triển rực rõ vào thế kỷ XVII tại làng Chu Đậu, xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Sau gần bốn thế kỷ bị thất truyền, gốm Chu Đậu đã hoàn toàn hồi sinh nhờ sự đóng góp không nhỏ của Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu thuộc Tổng Công ty Thương mại Hà nội – Hapro, thành viên của Tập đoàn BRG.

Sau hoạt động tham quan, khảo sát tại Nhà máy, sinh viên của Nhà trường được lắng nghe những chia sẻ của các anh/chị đại diện Ban lãnh đạo Công ty về sự ra đời và phát triển của Công ty, triết lý, tầm nhìn và chiến lược phát triển hoạt động kinh doanh. Không chỉ thành công ở thị trường trong nước, sản phẩm gốm Chu Đậu là sự lựa chọn và được đánh giá cao bởi các đối tác tại Mỹ và nhiều nước trên thế giới. Chiến lược phát triển của Công ty là phát triển mẫu mã sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu nhưng vẫn giữ bản sắc văn hóa trong từng sản phẩm, cải tiến công nghệ, giảm tỷ lệ sản phẩm lỗi, đẩy mạnh marketing online, chào hàng thông qua nhiều kênh khác nhau.

Phần giao lưu hỏi đáp giữa sinh viên và Ban lãnh đạo Công ty đã diễn ra sôi nổi, xoay quanh một số vấn đề. Như: Vai trò của đổi mới đối với hiệu quả kinh doanh tại Công ty gốm Chu Đậu; Quản trị đổi mới và thực thi đổi mới của Công ty cổ phần gốm Chu Đậu trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nhiều biến động; Quan điểm của Gốm Chu Đậu đối với việc sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường và hướng giải quyết các xung đột trong quá trình đổi mới giữa những đội ngũ nhân sự nhiều kinh nghiệm và nhân sự trẻ.

Cũng trong khuôn khổ chương trình, cán bộ quản lý, giảng viên và sinh viên đã đến dâng hương và tham quan di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc tại Chí Linh, Hải Dương. Chuyến ngoại khóa, tham quan, học tập thực tế tại doanh nghiệp và giao lưu kết nối đã mang lại cho các bạn sinh viên ngoài những kiến thức được chia sẻ còn tăng thêm sự đoàn kết giữa các thành viên trong lớp, tạo niềm vui và động lực học tập.